Phân tích tác động của Biến đổi khí hậu đối với Hệ thống quản lý chất lượng
Jul 19, 2024
Biến đổi khí hậu
Theo Báo cáo đánh giá của IPCC, các hoạt động của con người, chủ yếu thông qua phát thải khí nhà kính rõ ràng đã gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, với nhiệt độ bề mặt toàn cầu chạm mức 1.1oC năm 2011-2020 so với những năm 1850-1990. Phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu tiếp tục gia tăng từ các hoạt động không bền vững trong việc sử dụng năng lượng, sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất, lối sống và mô hình tiêu dùng và sản xuất giữa các vùng, nội bộ quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Những thay đổi nhanh chóng và lan rộng trong khí quyển, đại dương, băng quyển và sinh quyển đã xảy ra. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu cực đoan trên toàn cầu. Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực trên diện rộng, tổn thất và thiệt hại đến thiên nhiên và con người.
Phát thải khí nhà kính tập trung vào các ngành như năng lượng, các quá trình công nghiệp và đốt nóng, vận chuyển, xây dựng, nông nghiệp, chất thải và khai thác dầu mỏ. Chỉ năm 2020 có lượng phát thải GHG giảm do đại dịch COVID-19, sau đó lượng phát thải tiếp tục tăng và đạt 53.8 Gt CO2-tđ (IPCC) năm 2022. Vì thế, việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp làm giảm phát thải GHG trong từng ngành là rất quan trọng.
Hình 1.2. Xu hướng phát thải GHG theo ngành
Sản phẩm và dịch vụ là yếu tố cốt lõi trong các hoạt động sản xuất và thương mại. Trong thị trường thương mại tự do, việc mua bán trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trở nên dễ dàng và sôi động. Điều này dẫn đến lượng hàng hóa giao dịch và phát thải GHG cùng tăng nếu các biện pháp không được thực hiện để kiểm soát. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm của khách hàng chỉ tập trung vào tư duy chất lượng và thị hiếu truyền thống, thiếu đi yếu tố bền vững và tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến sản phẩm và dịch vụ họ mua và sử dụng. Ngoài ra, quá trình sản xuất ưu tiên tối ưu chi phí và giảm giá thành sản phẩm, dẫn đến việc sử dụng quy trình và công nghệ sản xuất lỗi thời, phát thải nhiều khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Vậy tiêu chí nào để tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ của một tổ chức, nhằm thay đổi phương pháp truyền thống để hướng đến sản phẩm và dịch vụ “xanh” hơn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon?
Một trong những biện pháp có thể kể đến là thay đổi nhận thức về quản trị chất lượng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một tổ chức được xác định bằng khả năng thỏa mãn khách hàng và thông qua tác động mong muốn và không mong muốn đến các bên hữu quan khác. Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ không chỉ bao gồm chức năng và công dụng dự kiến, mà còn bao gồm cả giá trị và lợi ích được cảm nhận mang đến cho khách hàng. Một hệ thống quản trị chất lượng (QMS) bao gồm các hoạt động, trong đó tổ chức nhận diện mục tiêu của mình, xác định các quá trình và nguồn lực cần thiết để đạt được kết quả mà tổ chức mong muốn. Hệ thống này quản lý các quá trình có tương tác với nhau cùng các nguồn lực cần thiết để mang lại giá trị và tạo ra kết quả cho các bên hữu quan, giúp lãnh đạo cao nhất tối ưu sử dụng nguồn lực khi xem xét đến hậu quả ngắn hạn và dài hạn từ các quyết định của mình. Bên cạnh đó, QMS đưa ra phương thức để nhận biết các hành động nhằm giải quyết các hậu quả dự kiến hoặc ngoài dự kiến khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ (ISO 9000:2015). Khi nhận thức và quan niệm về chất lượng thay đổi, có tính đến các tác động của biến đổi khí hậu, thì hệ thống quản trị chất lượng sẽ được thiết kế và vận hành nhằm cải tiến quá trình sản xuất sạch hơn, giảm chất thải, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của khác của khách hàng và các bên hữu quan như cơ quan chính phủ, các hiệp hội và tiêu chuẩn ngành. Tuy nhiên, khi “dịch chuyển” hệ thống quản trị chất lượng theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, thì các yếu tố trong hệ thống sẽ phải thay đổi theo để duy trì tính nhất quán của hệ thống.
Hệ thống quản trị chất lượng có thể được áp dụng ở mọi loại hình tổ chức, không kể quy mô và lĩnh vực, do đó, mức độ ảnh hưởng của các vấn đề biến đổi khí hậu đối với hệ thống quản trị chất lượng của mỗi tổ chức là khác nhau. Việc xây dựng một khung tiêu chí chung để vạch ra các vấn đề có liên quan đến biến đổi khí hậu, để tổ chức có thể xem xét và xác định các hành động phù hợp và tích hợp chúng vào hệ thống quản trị chất lượng là rất cần thiết. Khung tiêu chí sẽ đi xuyên suốt các yếu tố trong hệ thống quản trị chất lượng của một tổ chức, từ cấp lãnh đạo đến các bộ phận chức năng, và các quá trình liên quan trong hệ thống: bao gồm quản lý chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất, kinh doanh và thương mại, quản trị nhân lực, máy móc thiết bị và tài chính… để phân tích và xây dựng các tiêu chí tích hợp hành động ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm giúp tổ chức hoạch định tốt hơn trong việc thích ứng với các tác động từ rủi ro thiên tai và thời tiết cực đoan, thực hiện các sáng kiến sản xuất sạch hơn, giảm khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất, và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, các bên hữu quan có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tại sao việc tích hợp các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu vào hệ thống quản lý chất lượng là cần thiết?
Vào ngày 12 tháng 12 năm 2015, 196 Bên tham gia Diễn đàn Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc (COP21), bao gồm Việt Nam, tại Paris-Pháp đã ký kết Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016 và gồm mục tiêu dài hạn: giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt trái đất dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, tốt nhất giới hạn ở mức tăng là 1.5oC. Nhằm đạt được mục tiêu này, khí thải nhà kính phải được giảm nhiều nhất có thể; đạt được net-zero vào giữa thế kỷ 21; và khí thải phải được cắt giảm khoảng 50% trước năm 2030.
Trong 17 SDGs thuộc Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững được phê chuẩn bởi tất cả thành viên Liên hợp quốc năm 2015, SDG số 13 tập trung vào “thực hiện hành động khẩn cấp để đối phó với biến đổi khí hậu và tác động của nó” và đưa ra mục tiêu cụ thể, gồm (1) tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa và thiên tai liên quan đến khí hậu ở tất cả quốc gia; (2) tích hợp các biện pháp biến đổi khí hậu vào chính sách, chiến lược và kế hoạch quốc gia; (3) tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức; (4) thực hiện cam kết đóng góp 100 tỷ đô la trước năm 2020 để giải quyết nhu cầu của các quốc gia đang phát triển để ứng phó biến đổi khí hậu; và (5) thiết lập cơ chế để nâng cao năng lực quản lý và hoạch định có hiệu quả liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã có các hành động cụ thể phù hợp với mức độ phát triển, năng lực, công nghệ và các nguồn lực khác để ứng phó bên đổi khí hậu. Giờ đây, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang chịu nhiều sức ép của các bên để cải tiến sản phẩm và dịch vụ theo hướng bền vững.
Đầu tiên, áp lực ứng phó với biến đổi khí hậu từ các tiêu chuẩn quốc tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO đã tích hợp các vấn đề về biến đổi khí hậu và yêu cầu các tổ chức phải xem xét và thực thi chúng trong hệ thống quản trị của mình.
Cụ thể, vào ngày 23/02/2024, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành Sửa đổi về Biến đổi khí hậu (Climate Change Amendments) vào các Tiêu chuẩn hệ thống quản lý (MSS) hiện có và mới ban hành để thể hiện cam kết của ISO về biến đổi khí hậu. Thay đổi này (02 yêu cầu mới) sẽ được gắn vào nội dung Cấu trúc Hài hòa (Harmonized Structure) thuộc Phụ lục 2 trong Phụ lục SL, ISO/IEC Directive Part 1 Consolidated ISO Supplement như sau:
Yêu cầu bổ sung trên sẽ tác động đến 31 tiêu chuẩn hệ thống quản lý, bao gồm các tiêu chuẩn phổ biến như ISO 9001 (QMS), ISO 14001(EMS), ISO 45001 (OH&SMS) hay ISO 50001 (EnMS). Theo thống kê của ISO năm 2022, hiện có 1,265,216 chứng chỉ ISO 9001:2015 hợp lệ được cấp trên toàn thế giới, trong đó có 6,242 chứng chỉ ISO 9001:2015 được tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt, lâm nghiệp, thực phẩm, may mặc, hóa chất, sản xuất, xây dựng…(chiếm khoảng 0.5%). Đây là Tiêu chuẩn được cấp chứng nhận nhiều nhất, tiếp theo đó là Tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về quản trị môi trường (529,853 chứng chỉ) và ISO 45001:2018 về quản trị an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (397,339 chứng chỉ). Điều này chứng tỏ rằng, hệ thống quản trị chất lượng là ưu tiên hàng đầu của tổ chức khi thiết lập và vận hành hệ thống quản trị tích hợp.
Các tổ chức trên toàn cầu hiện đang áp dụng, đã được chứng nhận và sắp được chứng nhận sự phù hợp với 31 tiêu chuẩn hệ thống quản lý được đề cập, phải có những hoạch định và hành động để đáp ứng 02 yêu cầu mới về biến đổi khí hậu, bao gồm các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, Tổ chức chứng nhận sẽ lồng ghép biến đổi khí hậu vào nội dung đánh giá các tổ chức và xem xét kết quả thực hiện.
Thứ hai, áp lực ứng phó với biến đổi khí hậu đến từ khách hàng và cạnh tranh.
Người tiêu dùng ngày càng lựa chọn sản phẩm “xanh” và từ các doanh nghiệp có hình ảnh tốt về khía cạnh môi trường và xã hội. Trong kết quả khảo sát “Who Cares? Who does?” năm 2023 của Kantar với 1,000 hộ gia đình, có 63% người tiêu dùng chủ động tìm mua sản phẩm của các thương hiệu và công ty có những hành động bù đắp tác động của họ đối với môi trường, và 63% đã ngừng mua hoặc ngừng sử dụng sản phẩm có tác động xấu đến môi trường và xã hội. Vì vậy, thuật ngữ “chất lượng” còn bao gồm yếu tố môi trường, xã hội và sự bền vững.
Dựa trên lượng phát thải carbon (carbon footprint product – CFP) được công bố, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp có mức phát thải khí nhà kính ít hơn nhằm giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động của mình. Vì thế, sản phẩm/dịch vụ ít phát thải hơn sẽ được ưu tiên hơn tùy vào bối cảnh cụ thể.
Hình 1.3. Lượng phát thải carbon của từng loại phương tiện trên một kilomet
Bên cạnh đó, áp lực từ hoạt động xuất khẩu vào các thị trường khó tính cũng đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp. Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) của EU có hiệu lực từ ngày 01/10/2023, theo đó, những nhà xuất khẩu 06 nhóm sản phẩm bao gồm xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro sẽ phải khai báo phát thải carbon trên một tấn sản phẩm xuất khẩu vào EU. Trong giai đoạn 2026-2034, hạng ngạch phát thải miễn phí sẽ được loại bỏ dần. Trường hợp lượng phát thải lớn hơn mức phát thải cho phép, các nhà xuất khẩu trên phải chịu một khoản thuế carbon căn cứ vào lượng chênh lệch, chi phí đã chi trả cho phát thải và giá carbon được tính theo từng thời điểm. Để có khả năng cạnh tranh và hạn chế tác động đến hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần có hành động điều chỉnh hệ phương pháp quản trị sản xuất, kết hợp với các phương pháp định lượng dấu chân carbon sản phẩm để có phương án tối ưu nhất trong kế hoạch đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Thứ ba, áp lực đến từ cơ quan nhà nước.
Tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 với quy định tại Chương VII – Ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực thi quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, theo đó Chính phủ quy định các biện pháp giảm nhẹ khí thải nhà kính, xây dựng thị trường carbon và biện pháp bảo vệ tầng ô-dôn. Trong quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, các tổ chức trong danh sách phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải, đồng thời phải nộp báo cáo về cơ quan nhà nước chủ quản và được thẩm tra phát thải theo quy định.
Trong Quyết định số 889/QĐ-TTg Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Chính phủ xác định các chính sách có liên quan đến sản phẩm, sản xuất và tiêu dùng, bao gồm nhãn sinh thái, ưu đãi về mua sắm công xanh, ưu đãi cho nhà thầu có sử dụng các sản phẩm được dán nhãn xanh khi tham dự thầu, cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, du lịch bền vững…Có thể thấy, sản phẩm và dịch vụ “xanh” là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng ảnh hưởng đến hoạt động quản trị của tổ chức đòi hỏi sự thay đổi về cách tiếp cận sản xuất nhằm đảm bảo phù hợp với chiến lược quốc gia và xu hướng của thế giới, bao gồm: Quyết định số 1658/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 215/QĐ-TTg Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Quyết định số 1133/QĐ-BCT của Bộ Công thương về Công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho chương trình dán nhãn năng lượng…
Thứ tư, áp lực đến từ thiên tai, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.
Trong một nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 về “Thích ứng để thành công – Đánh giá tác động của biến đổ khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam”, hiện tượng tự nhiên do biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Những hiện tượng khiến doanh nghiệp lo ngại nhất bao gồm nắng nóng kéo dài (26%), mưa lớn kèm bão/áp thấp nhiệt đới (17%) và ngập lụt ở nơi trước đây hiếm khi xảy ra (11%). Các hậu quả như gián đoạn sản xuất kinh doanh, gián đoạn kênh vận chuyển, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và nguồn cung nguyên vật liệu đều là một phần của hệ thống quản trị chất lượng.
Hình 1.4. Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp
(VCCI, 2020)_Đơn vị % doanh nghiệp
Với các lý do trên, các doanh nghiệp cần thay đổi phương pháp quản trị, đặc biệt là quản trị chất lượng nhằm quản lý sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của các bên liên quan nhằm hướng tới phát triển bền vững góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù nhiều doanh nghiệp lớn đã thiết lập và vận hành mô hình quản trị chất lượng riêng của họ gắn sản phẩm và dịch vụ với các yếu tố môi trường, bao gồm công bố giảm phát thải khí nhà kính trong sản phẩm (trung hòa carbon) để ứng phó với biến đổi khí hậu, thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xem yếu tố biến đổi khí hậu chỉ liên quan đến môi trường, không liên quan nhiều đến quản trị chất lượng.
Phân tích mối quan hệ giữa phát triển bền vững và các hệ thống quản trị (chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp…) trong các lĩnh vực đã được nghiên cứu trước đây, tuy nhiên nội dung phân tích cụ thể giữa biến đổi khí hậu và hệ thống quản trị chất lượng còn hạn chế. Trong bài nghiên cứu của Zimon et al. (2020), tác giả phân tích sự ảnh hưởng của quản trị chất lượng theo ISO 9001 và quản trị môi trường theo ISO 14001 đến quản trị bền vững chuỗi cung ứng trong ngành may mặc. Qua khảo sát 105 công ty, được chia làm 03 nhóm: nhóm áp dụng chỉ ISO 9001, nhóm áp dụng chỉ ISO 14001 và nhóm áp dụng cả 02 tiêu chuẩn, tác giả chỉ ra rằng, hệ thống quản trị chất lượng theo ISO 9001 – một tiêu chuẩn được thiết kế tập trung chủ yếu vào cải tiến các quá trình nội bộ và hợp tác với tổ chức khác trong chuỗi cung ứng – có một số tác động đến hoạt động cải tiến quá trình môi trường. Một số đơn vị được khảo sát cho rằng ISO 9001 có thể hỗ trợ các quá trình liên quan đến sinh vật học (ecological processes), nhưng đây không phải là mục tiêu chính của tiêu chuẩn này. Ví dụ, trong khía cạnh thiết kế sản phẩm, việc xem xét hiệu quả hoạt động môi trường và tăng nhận thức về môi trường thì ISO 9001 có tác động ít hơn các hệ thống khác. Tuy nhiên, điều này không thay đổi đến thực tế là tiêu chuẩn ISO 9001 có thể cải tiến các quá trình liên quan đến phát triển bền vững.
Hình 1.5. Sơ đồ tương tác các quá trình của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 có tích hợp ứng phó biến đổi khí hậu (tác giả)
HLT, Senior consultant.
Tài liệu tham khảo:
-
- IPCC (2023), Climate Change 2023 – Synthesis Report
- ISO (2024), IAF/ISO Joint Communiqué on the addition of Climate Change considerations to Management Systems Standards
- Joint Research Centre (JRC) (2023), GHG Emissions of all World countries
- Liên Hợp Quốc, 17 SDGs
- VCCI (2020), Thích ứng để thành công – Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam