SA8000
Tổng quan Tiêu chuẩn SA8000
Tiêu chuẩn SA8000 thuộc sở hữu của Tổ chức Trách nhiệm Xã hội Quốc tế (Social Accountability International – SAI). Được thành lập từ năm 1997, SAI là một tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm thúc đẩy quyền con người tại nơi làm việc. Website: https://sa-intl.org.
Tiêu chuẩn SA8000 được dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu về công việc tử tế, bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights), các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO Conventions), và Luật pháp quốc gia. SA8000 áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống quản lý đối với hiệu quả hoạt động xã hội và nhấn mạnh vào cải tiến liên tục, không phải cách đánh giá kiểu câu hỏi kiểm tra.
Phiên bản SA8000:2014 là phiên bản hiện hành. Phiên bản SA8000:2026 đang trong quá trình hoàn thiện trước khi ban hành chính thức.
Yêu cầu của Tiêu chuẩn SA8000
-
- Lao động trẻ em (Child Labor)
- Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Forced or Compulsory Labor)
- Sức khỏe và An toàn (Health and Safety)
- Tự do Hội đoàn và Quyền thương lượng tập thể (Freedom of Association and Right to Collective Bagaining)
- Phân biệt đối xử (Discrimination)
- Thực hành kỷ luật (Disciplinary Practices)
- Thời gian làm việc (Working Hours)
- Trả công (Remuneration)
- Hệ thống quản lý (Management System)
Các bước để được Chứng nhận SA8000
Bước 1: Tự đánh giá SA8000 (SA8000 Self-Assessment)
Bước đầu tiên trong quá trình chứng nhận SA8000 là hoàn thành Bảng Tự đánh giá SA8000 (SA8000 Self-Assessment) – được thực hiện trực tuyến. Bảng tự đánh giá này giúp doanh nghiệp hiểu về các yêu cầu hệ thống quản lý của SA8000 và xác định rằng họ đã sẵn sàng đăng ký chứng nhận hay chưa.
Bước 2: Liên hệ với Tổ chức Chứng nhận được Công nhận
Doanh nghiệp có thể liên hệ một hoặc nhiều Tổ chức Chứng nhận (được Công nhận) để nhận báo giá và các chi phí. Tại Việt Nam, một số Tổ chức Chứng nhận tổ chức đánh giá SA8000 gồm:
-
- BSI
- Bureau Veritas Certification
- SGS India
- TUV Nord Group
- TUV Rheinland
(Nguồn: https://sa-intl.org/resources/sa8000-accredited-certification-bodies/)
Đánh giá Chứng nhận SA8000:
Tổ chức chứng nhận sẽ thực hiện Giai đoạn 1 (thông thường là 1-2 ngày) để đánh giá sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với SA8000. Doanh nghiệp chuyển sang Giai đoạn 2 sẽ được đánh giá chứng nhận toàn diện (full certification audit), có thể mất từ 02-10 ngày, dựa vào quy mô và phạm vi của doanh nghiệp.
Trong cả hai giai đoạn, tổ chức chứng nhận sẽ tiến hành đánh giá độc lập SA8000 giúp doanh nghiệp xác định điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống quản lý của mình. Đánh giá bao gồm việc xem xét tài liệu, tình trạng lao động, phản hồi phỏng vấn của nhân viên và hồ sơ các hoạt động.
Nhận Chứng nhận SA8000
Khi tổ chức chứng nhận xác định rằng doanh nghiệp đã thực hiện các hành động và cải tiến cần thiết để tuân thủ Tiêu chuẩn SA8000, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ SA8000. Chứng chỉ này được sử dụng công bố sự tuân thủ và nỗ lực của doanh nghiệp về thực thi trách nhiệm xã hội theo các yêu cầu của SA8000.
Bước 3: Giám sát theo dõi tại cơ sở
Chứng nhận SA8000 có hiệu lực trong vòng 03 năm, tùy thuộc vào hoạt động giám sát tại cơ sở. Hoạt động theo dõi giám sát bao gồm việc kết hợp giữa các chuyến thăm có báo trước và không báo trước, thường là hai lần một năm, và đánh giá độc lập để theo dõi các cải tiến liên tục. Sau chu kỳ ba năm, doanh nghiệp có thể chọn chứng nhận lại.
ThS. Lương Hải Triều.
Tư vấn Trưởng.