ISO 14001


Jul 18, 2024

Bộ Tiêu chuẩn ISO 14000

Bộ Tiêu chuẩn ISO 14000 là một loạt các tiêu chuẩn, hướng dẫn, và báo cáo kỹ thuật về quản lý môi trường quốc tế.

Vào năm 1990, Liên Hợp quốc cuối cùng đã chấp nhận rằng trái đất đang nóng dần lên và biến đổi khí hậu đang tác động và gây hậu quả trên toàn cầu. Hội nghị Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển Rio de Janeiro và Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc được tổ chức vào tháng 6/1992 đã đi đến sự đồng thuận về Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, sau đó dẫn đến Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận chung Paris.

Tháng 3 năm 1992, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) công bố tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường đầu tiên trên thế giới – BS 7750, và sau này trở thành bộ khung thiết lập ISO 14000 trong năm 1996.

Bộ Tiêu chuẩn ISO 14000 bao gồm nhiều khía cạnh môi trường được quản lý: hệ thống quản lý môi trường, nhãn và công bố môi trường, đánh giá vòng đời, khí nhà kính, trung hòa carbon, thích nghi với biến đổi khí hậu…

Một số Tiêu chuẩn/hướng dẫn trong bộ ISO 14001 có thể kể đến như:

  • ISO 14001 – Hệ thống quản lý môi trường
  • ISO 14002 – Hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn sử dụng ISO 14001
  • ISO 14004 – Hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn áp dụng chung
  • ISO 14020 – Nhãn và Công bố môi trường – Nguyên tắc chung
  • ISO 14044 – Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời – Yêu cầu và hướng dẫn
  • ISO 14064 – Khí nhà kính
  • ISO 14067 – Khí nhà kính – Dấu chân carbon sản phẩm
  • ISO 14090 – Thích ứng với biến đổi khí hậu – Quy tắc, yêu cầu và hướng dẫn
  • ISO 14097 – Quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan

Tiêu chuẩn ISO 14001

Là một tiêu chuẩn nổi tiếng trong bộ tiêu chuẩn ISO 14000, ISO 14001 đưa ra các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý môi trường, có thể áp dụng ở mọi tổ chức, không quan tâm đến quy mô và ngành nghề.

Theo số liệu thống kê của ISO năm 2021, số lượng chứng chỉ ISO 14001 được cấp trên toàn thế giới chỉ đứng sau ISO 9001.

Lần đầu tiên ban hành năm 1996, ISO 14001 đã trải qua 02 lần sửa đổi.

ISO 14001:2015 cung cấp cách tiếp cận có hệ thống đến vấn đề quản lý môi trường cho lãnh đạo cao nhất để đưa ra quyết định và kế hoạch ngắn-dài hạn, đóng góp vào sự phát triển bền vững bằng cách:

  • bảo vệ môi trường qua việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác động bất lợi đến môi trường;
  • giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi tiềm ẩn từ các điều kiện môi trường đến tổ chức;
  • hỗ trợ tổ chức thực hiện các nghĩa vụ phải tuân thủ;
  • nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường;
  • kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến cách thức sản phẩm và dịch vụ của tổ chức được thiết kế, được sản xuất, phân phối, được tiêu thụ và thải bỏ bằng cách sử dụng quan điểm vòng đời – có thể ngăn ngừa tác động môi trường;
  • đạt được lợi ích tài chính và vận hành từ việc thực hiện các phương án thay thế về môi trường nhằm củng cố vị trí của tổ chức trên thị trường;
  • truyền thông về môi trường đến các bên hữu quan liên quan.

Đánh giá chứng nhận ISO 14001:2015

Lưu ý, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 liên quan nhiều đến vấn đề pháp lý môi trường. Để đạt được chứng nhận ISO 14001:2015, tổ chức tối thiểu phải đáp ứng các quy định pháp lý về môi trường tại nước sở tại, quốc gia hoặc địa phương.

Đánh giá chứng nhận ISO 14001:2015 thường được chia thành 02 giai đoạn: xem xét hồ sơ (document review) và đánh giá chính thức (official audit).

Giai đoạn 1: xem xét các hồ sơ pháp lý môi trường, PCCC…; xác nhận ranh giới địa lý, hoạt động của tổ chức để lên kế hoạch đánh giá giai đoạn 2. Trong giai đoạn đầu, các vấn đề pháp lý môi trường sẽ được xem xét kỹ để đảm bảo tổ chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nếu phát hiện các vấn đề quan trọng, tổ chức phải giải quyết trong thời gian quy định trước khi đánh giá giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: đánh giá chính thức.

Vì thế, hồ sơ pháp lý môi trường và các quy định pháp lý liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống quản lý môi trường và chứng nhận ISO 14001:2015.


ThS. Lương Hải Triều (Tel: 077 670 2675)

Tư vấn Trưởng.