ISO 14067

ISO 14067 – Carbon Footprint of Products Quantification


Jul 20, 2024

Tư vấn Định lượng Dấu chân carbon sản phẩm ISO 14067:2018 (Carbon Footprint Product)

Ở một khía cạnh khác của khí nhà kính, bên cạnh ISO 14064, Tiêu chuẩn về dấu chân carbon sản phẩm ISO 14067 đang dần đóng vai trò quan trọng trong lộ trình trung hòa carbon.

Thế nào là dấu chân carbon sản phẩm?

Đi trên cát sẽ luôn để lại dấu chân. Quá trình tạo ra một sản phẩm hoặc cung cấp một dịch vụ luôn có tác động nhất định đến môi trường khi xét toàn bộ vòng đời của nó. Một trong những tác động môi trường ở đây là phát thải carbon và các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính.

Nhằm đánh giá mức độ phát thải carbon cho sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 14067 để giải quyết vấn đề này. Các tổ chức có thể tìm kiếm cơ hội giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua kết quả định lượng carbon sản phẩm.

Không giống như ISO 14064-1 tập trung vào định lượng khí nhà kính phát thải ở phạm vi các hoạt động của tổ chức theo chiều dọc, ISO 14067 tập trung vào phát thải khí nhà kính cho sản phẩm và dịch vụ cụ thể, tức là theo chiều ngang. Chúng ta sẽ xem hình mô tả sau để thấy những điểm khác nhau của ISO 14064-1 và ISO 14067.

Tuy nhiên, không phải kết quả định lượng dấu chân carbon sản phẩm nào cũng có thể so sánh với nhau được. Lấy ví dụ, với cùng một tấn nhôm thành phẩm giống y hệt nhau của Công ty A và Công ty B có công bố phát thải carbon tương đương lần lượt là 2,55 tCO2-tđ/tấn sản phẩm và 2,67 tCO2-tđ/tấn sản phẩm, ta nói sản phẩm nhôm của Công ty B thực tế có mức phát thải carbon cao hơn sản nhôm tương tự của Công ty A, do đó, sản phẩm nhôm của Công ty A sẽ “xanh” hơn. Điều này chưa hẳn đúng vì chúng ta chưa xét đến toàn bộ quá trình định lượng khí nhà kính trong kết quả cuối cùng của cả Công ty A và B theo quan điểm vòng đời. Vấn đề đặt ra ở đây là, phương pháp định lượng dấu chân carbon sản phẩm của Công ty A và Công ty B có thể khác nhau, dẫn đến kết quả cuối cùng sẽ khác nhau (vd: có thể Công ty A đã bỏ qua phát thải khí nhà kính trong quá trình vận chuyển sản phẩm). Vì thế, các Quy tắc phân loại sản phẩm (Product Category Rules-PCR) khuyến khích được sử dụng để phương pháp định lượng được thực hiện một cách thống nhất (dựa trên ISO 14025 – Nhãn môi trường và Công bố môi trường – Công bố môi trường kiểu III – Nguyên tắc và quy trình).

Vòng đời sẽ bao gồm từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô đến khi thải bỏ cuối đời. ISO 14067 yêu cầu xác định ranh giới hệ thống (sysem boundary) dựa trên quy tắc của ISO 14044, cụ thể:

    • cradle-to-grave (từ nôi đến mồ): nghĩa là toàn bộ vòng đời, từ giai đoạn nguyên liệu thô ban đầu (nôi) đến thải bỏ cuối vòng đời (mồ).
    • cradle-to-gate (từ nôi đến cổng): từ giai đoạn nguyên liệu thô (nôi) cho đến (cổng) tổ chức tiếp nhận xử lý giai đoạn tiếp theo.
    • gate-to-gate (từ cổng đến cổng): bán thành phẩm từ (cổng) tổ chức này đến (cổng) tổ chức khác để xử lý giai đoạn tiếp theo.

Bốn giai đoạn phân tích vòng đời sản phẩm

 

Lưu ý quan trọng: Công bố kết quả định lượng dấu chân carbon sản phẩm theo ISO 14067 là một dạng công bố thông tin môi trường. Bên thứ 3 chỉ thẩm tra và thẩm định (verification and validation) kết quả định lượng chứ không cấp “chứng chỉ hay chứng nhận” như các tiêu chuẩn ISO khác (vd ISO 9001, ISO 14001 hay ISO 45001). Sau khi thẩm tra và thẩm định, Bên thứ 3 sẽ ra một dạng “Báo cáo kết quả thẩm tra/thẩm định” (xem thêm ISO 14064-3 – Tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định và thẩm tra công bố khí nhà kính.)

Lương Hải Triều (Tư vấn trưởng).