ISO 45001


ISO 45001:2018 – Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp

Jul 19, 2024

Một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là không chỉ là nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc, mà còn là một yêu cầu thiết yếu để thúc tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, duy trì lực lượng lao động đầy đủ, hiệu quả việc làm tử tế cho mọi người. (ILO)

Theo dữ liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cả năm 2019 có khoảng 2.93 triệu công nhân tử vong do các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp, tăng 12% so với năm 2000. Số ca tử vong liên quan đến nghề nghiệp chiếm 6,71% tổng số ca tử vong toàn cầu. Tỷ lệ tử vong liên quan đến nghề nghiệp cao nhất ở Châu Phi (7,39%), tiếp theo là Châu Á – Thái Bình Dương (7,13%). Phần lớn số ca tử vong liên quan đến bệnh nghề nghiệp (2,6 triệu người), trong khi tai nạn lao động khiến 330.000 người tử vong.

Các tổ chức trên thế giới từ lâu đã xây dựng biện pháp nhằm kiểm soát và cải tiến hiệu quả hoạt động an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong phạm vi hoạt động của mình, theo nhu cầu nội bộ của tổ chức hoặc tuân thủ yêu cầu luật định quốc gia. Tuy nhiên, trước năm 1999, chưa có tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ở cấp độ quốc tế nào được ban hành.

Nhận thấy được vấn đề này, một nhóm bao gồm đại diện các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, giới học thuật, các tổ chức công nhận, tổ chức chứng nhận, các cơ quan an toàn và sức khỏe đã thành lập Nhóm Dự án bộ Tiêu chuẩn Đánh giá An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (Occupational Health and Safety Assessment Series, OHSAS). Vào năm 1999, Tiêu chuẩn OHSAS 18000 quốc tế được ban hành. Bộ tiêu chuẩn đánh giá gồm 02 tiêu chuẩn: 18001 đưa ra các yêu cầu về hệ thống quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OHS) và tiêu chuẩn 18002 cung cấp hướng dẫn thực hiện.

Vào tháng 7/2007, OHSAS 18001 được cập nhật và ban hành lần 2.

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã đề xuất ISO 45001 – hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vào tháng 10/2013. Ban ISO/PC 283 được thành lập vào năm 2013 có trách nhiệm trực tiếp cho quá trình xây dựng tiêu chuẩn này. Ít nhất có 70 quốc gia tham gia quá trình soạn thảo.

Vào tháng 3/2018, sau 05 năm soạn thảo và tham vấn ý kiến toàn cầu, tiêu chuẩn ISO 45001:2018 được ban hành, đánh dấu một tiêu chuẩn quốc tế chính thức đầu tiên về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Tiêu chuẩn này cũng được xây dựng dựa trên cấu trúc bậc cao (HLS) giống như ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015, làm cho việc tích hợp hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (QHSE) dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ngoài Tiêu chuẩn ISO 45001:2018, một số tiêu chuẩn khác thuộc bộ Tiêu chuẩn ISO 45000 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cũng được ban hành sau này, để hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện các khía cạnh về quản lý an toàn và sức khỏe, bao gồm:

(cập nhật vào tháng 7/2024)

TT Tiêu chuẩn Tựa đề Năm ban hành
1 ISO 45001 Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Yêu cầu và hướng dẫn sử dụng 2018
2 ISO 45002 Hướng dẫn chung cho việc thực hiện ISO 45001:2018 2023
3 ISO 45003 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – An toàn và sức khỏe tâm lý (psychological) tại nơi làm việc – Hướng dẫn quản lý rủi ro tâm lý 2021
4 ISO 45004 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Hướng dẫn đánh giá hiệu quả hoạt động 2024
5 ISO/PAS 45005 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Hướng dẫn chung làm việc an toàn trong bối cảnh COVID-19 2020
6 ISO 45006 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Hướng dẫn cho tổ chức ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý bệnh truyền nhiễm 2023
7 ISO/AWI PAS 45007 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Rủi ro OHS từ biến đổi khí hậu và hành động khí hậu – Hướng dẫn cho các tổ chức (dự thảo)
8 ISO/WD 45008 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Hướng dẫn làm việc từ xa (dự thảo)
9 ISO/AWI 45009 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Các yêu cầu về Quản trị và Lãnh đạo của Ban quản lý cao nhất cho ISO 45001:2018 (dự thảo)

Lương Hải Triều (Tư vấn trưởng)